[Hiểu đúng] Rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì
Rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì là hiện tượng rất thường gặp. Nguyên nhân chủ yếu là do nội tiết tố hoạt động chưa ổn định. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như: ăn uống thiếu chất, stress kéo dài, giảm cân đột ngột… Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì bạn đọc đừng bỏ lỡ.
Rối loạn kinh nguyệt là gì?
Kinh nguyệt xuất hiện khi nữ giới bước vào tuổi dậy thì từ 9 – 15 tuổi. Hiện tượng này sẽ lặp đi lặp lại hàng tháng mang tính chất chu kỳ. Kinh nguyệt xảy ra do lớp niêm mạc tử cung bong ra.
- Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt thường kéo dài khoảng 28 – 30 ngày.
- Số ngày hành kinh là 5 – 7 ngày.
- Lượng máu kinh mất đi trong ngày đèn đỏ khoảng 50 – 150ml.
Nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn không đều, số ngày hàng kinh dài hơn hoặc ngắn hơn, lượng máu kinh bất thường… được gọi là rối loạn kinh nguyệt.
Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì
Ở tuổi dậy thì, các bạn gái hay gặp phải tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Vì việc chưa trang bị kiến thức đầy đủ nên hầu hết các bạn đều tỏ ra lúng túng và lo sợ trước tình trạng này.
Bác sĩ Vũ Thị Thanh Dung, chuyên gia sản phụ khoa cho biết, đây là hiện tượng bình thường. Bởi hệ thống vùng dưới đồi còn chưa hoàn chỉnh nên hoạt động nội tiết tố bị rối loạn. Tình trạng này sẽ được điều chỉnh trong 1 – 2 năm đầu. Chu kỳ kinh nguyệt sẽ diễn ra ổn định sau đó.
Dưới đây là một số nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì:
- Hormone nội tiết tố nữ chưa ổn định gây ra tình trạng trứng không rụng hoặc không được phóng noãn, khiến chu kỳ kinh nguyệt của các bạn gái không đều.
- Áp lực học hành, thi cử… sẽ khiến các bạn gái bị căng thẳng, stress, mệt mỏi. Những yếu tố tâm lý này sẽ tác động chu kỳ kinh nguyệt của bạn.
- Ăn uống thiếu chất, chán ăn, ăn quá ít hoặc ăn uống không cân bằng đủ dưỡng chất… sẽ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn.
- Tình trạng béo phì, thừa cân cũng ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng.
- Vận động quá sức, thể dục thể thao với cường độ lớn có thể khiến thời gian bị hành kinh giảm xuống, thậm chí mất kinh trong nhiều tháng.
- Nữ giới trong tuổi dậy thì mắc phải một số bệnh viêm nhiễm phụ khoa như: viêm âm đạo, viêm tử cung, lạc nội mạc tử cung… rất dễ gây hiện tượng rong kinh, chậm kinh ở tuổi mới lớn.
- Mắc hội chứng buồng trứng đa nang khiến cho cơ thể không thể tiết ra hormone nội tiết tố như bình thường, chu kỳ kinh bị rối loạn. Mặc dù căn bệnh này rất ít gặp ở tuổi dậy thì nhưng đây cũng là thủ phạm gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở các bạn gái.
Các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì
Rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì tức là chu kỳ kinh nguyệt của các bạn gái sẽ không xuất hiện vào đúng ngày cụ thể. Ngoài ra, còn một số triệu chứng khác cũng được cho là dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt như:
- Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài lên đến 35 – 50 ngày/chu kỳ, tức là gần 2 – 3 tháng mới có kinh một lần.
- Chu kỳ kinh nguyệt ngắn dưới 21 ngày, 1 tháng có tới 2 – 3 lần hành kinh.
- Số ngày hành kinh kéo dài trên 7 ngày, lượng máu kinh ra nhiều >150ml, rong kinh.
- Lượng máu kinh ra quá ít <20ml, số ngày kinh ngắn dưới 2 ngày.
- Đau bụng hành kinh dữ dội kèm theo những triệu chứng bất thường như buồn nôn, nôn ói, thậm chí là ngất xỉu.
- Một số trường hợp còn xuất hiện triệu chứng máu kinh có màu sắc bất thường, vón thành cục máu đông… Đây chính là dấu hiệu của các bệnh lý phụ khoa.
Nếu tình trạng rối loạn kinh nguyệt diễn ra trong thời gian dài, kèm theo những biểu bất thường tại cơ quan sinh dục… Bạn nên chia sẻ với phụ huynh để được đi thăm khám, điều trị sớm.
Rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì có nguy hiểm không?
Như đã nói ở trên, các bạn gái tuổi dậy thì chu kỳ kinh vẫn chưa thể hoạt động ổn định. Bởi cơ quan sinh dục của nữ giới vẫn chưa hoàn thiện nên quá trình hoạt động dễ bị rối loạn. Vì vậy, bạn không cần phải quá lo lắng với hiện tượng kinh nguyệt không đều hay rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì, chu kỳ kinh sẽ dần ổn định lại sau 1-2 năm.
Tuy nhiên, một khi rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì kéo dài, kèm theo nhiều triệu chứng bất thường như: đau bụng kinh dữ dội, rong kinh kéo dài, đau bụng dưới, khí hư ra nhiều, máu kinh có màu đen, vón cục kèm mùi hôi khó chịu… Đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý phụ khoa như: đa nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, viêm nhiễm phụ khoa.
Lúc này, bạn cần đi khám để bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra những biện pháp can thiệp kịp thời.
Biện pháp phòng tránh rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì
Để chu kỳ kinh nguyệt diễn ra đều đặn, các bạn gái ở tuổi dậy thì nên áp dụng một số biện pháp hữu ích ngay trong cuộc sống hàng ngày như:
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất. Hạn chế đồ ăn cay nóng, chiên rán. Tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích và đồ uống có cồn ở tuổi dậy thì.
- Không thức quá khuya và duy trì thói quen ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày.
- Rèn luyện thể dục thể thao hàng ngày không chỉ giúp chu kỳ kinh đều đặn mà còn giúp máu lưu thông tốt hơn, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
- Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn bằng việc nghe nhạc, đọc sách hoặc tham gia các hoạt động giải trí nhẹ nhàng, sẽ giúp hạn chế được những căng thẳng áp lực học tập.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ bằng nước sạch hoặc dung dịch vệ sinh có thành phần dịu nhẹ. Thay băng vệ sinh thường xuyên trong những ngày đèn đỏ là cách để phòng tránh viêm nhiễm phụ khoa hiệu quả.
Rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì sẽ không còn là mối lo nếu bạn hiểu đúng và có biện pháp can thiệp kịp thời khi phát hiện các triệu chứng bất thường. Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, dậy thì là thời điểm nhạy cảm nhất. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần chú trọng quan tâm, chăm sóc đến sức khỏe, tâm sinh lý của con em mình.
Hiệu Quả Hỗ Trợ Điều Trị Phụ Thuộc Vào Thể Trạng Của Mỗi Người
~ Tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ để mang lại kết quả tốt nhất ~
Có Thể Bạn Cần